Nguyên tắc tính ưu đãi trong đấu thầu
Nguyên tắc tính ưu đãi được cụ thể hóa tại Điều 3 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP như sau:
1. Trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn (tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả).
2. Trường hợp nhà thầu tham dự thầu thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn, hàng hóa, xây lắp) từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
Cách tính ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước
Đối với từng phương pháp đánh giá và gói thầu cụ thể sẽ có phương pháp tính ưu đãi khác nhau, có 03 cách tính thông thường như sau:
- Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu để so sánh, xếp hạng;
- Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá, hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng;
- Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng điểm ưu đãi vào điểm tổng hợp theo công thức sau đây: Điểm ưu đãi = 0,075 x (giá hàng hóa ưu đãi /giá gói thầu) x điểm tổng hợp. Trong đó: Giá hàng hóa ưu đãi là giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi.
Hướng dẫn cách kê khai ưu đãi hàng hóa sản xuất trong nước tại biểu mẫu webform
Đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa qua mạng (đa số các gói thầu hiện nay), nhà thầu cần thực hiện kê khai ưu đãu hàng hóa sản xuất trong nước tại mẫu 20 trên webform, nếu không kê khai thì nhà thầu sẽ không được tính toán ưu đãi. Cách kê khai và hướng dẫn được chúng tôi biên tập và gửi kèm theo bài viết này, quý độc giả có thể
TẢI TẠI ĐÂY. Trong đó chúng tôi xin chỉ dẫn rõ hơn như sau:
Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa. Tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa được tính theo công thức sau đây:
D (%) = G*/G (%)
Trong đó:
- G*: Là chi phí sản xuất trong nước được tính bằng giá chào của hàng hóa trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trừ đi giá trị thuế và các chi phí nhập ngoại bao gồm cả phí, lệ phí;
- G: Là giá chào của hàng hóa trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trừ đi giá trị thuế;
- D: Là tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa. D > 25% thì hàng hóa đó được hưởng ưu đãi theo quy định nêu trên.
Mặc dù quy định cụ thể là vậy, tuy nhiên dưới quan điểm của người viết bài chúng tôi cho rằng không phải nhà thầu (nhà sản xuất) nào cũng công khai và có ý định công khai chi phí sản xuất để chứng minh tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước, bởi lẽ đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là chính sách rất đúng đắn của nhà nước nhằm phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi đối với đấu thầu tư nhân thường ít (không quan tâm) đến vấn đề này và các bên mời thầu tư nhân gần như cũng không xây dựng tiêu chí đánh giá ưu đãi liên quan đến hàng hóa sản xuất trong nước.
DauThau.Net ra đời nhằm kết nối, hỗ trợ tối đa giữa các chủ đầu tư và nhà thầu, nhà cung cấp. Trong trường hợp cần hỗ trợ hãy liên lạc ngay với chúng tôi: